Nhiều nghiên cứu y khoa đã chứng minh sức khỏe răng miệng có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe toàn thân, đặc biệt trong giai đoạn mang thai. Bằng cách chú ý giữ vệ sinh răng miệng và thói quen ăn uống góp phần hạn chế nguy cơ gây bệnh răng miệng trong thời kì này. Nha sĩ cũng sẽ giúp bạn chăm sóc răng miệng tốt hơn trong giai đoạn đặc biệt này.

        Chăm sóc sức khoẻ răng miệng, bao gồm cả chụp X-quang nha khoa, gây tê là tương đối an toàn ở bất cứ thời điểm nào của thai kì. Hơn nữa, Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ và Hội nghị sản phụ khoa Hoa Kỳ đã đồng thuận rằng trong các trường hợp có chỉ định điều trị nha khoa, như nhổ răng, điều trị tuỷ,.. có thể được thực hiện một cách an toàn trong khi mang thai và việc điều trị chậm trễ có thể dẫn đến tình trạng phức tạp hơn. Khi điều trị cho bệnh nhân mang thai, cần phối hợp cùng với bác sĩ sản khoa để đưa ra quyết định điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Một số tình trạng răng miệng hay gặp ở phụ nữ mang thai:

Viêm lợi 

 có thể là kết quả của sự thay đổi nội tiết làm tăng đáp ứng quá mức của mô lợi với vi khuẩn. Rất nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra mối liên hệ giữa viêm nha chu của mẹ và kết quả mang thai. Một tổng quan của 23 nghiên cứu đánh giá hệ thống được thực hiện năm 2016 đã kết luận về mối quan hệ của viêm nha chu và sinh non, trẻ thiếu cân, tiền sản giật. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mối liên quan giữa viêm nha chu và kết quả thai kì , tuy nhiên nếu viêm nha chu diễn tiến trong thai kì thì việc điều trị lấy cao răng và làm nhẵn bề mặt thân-chân răng được công nhận là an toàn để thực hiện.

Sâu răng

có thể xảy ra do sự thay đổi của chế độ ăn uống ví dụ như tăng ăn vặt, tăng acid trong miệng do nôn, khô miệng hoặc vệ sinh răng miệng kém do buồn nôn và nôn.

U lợi

 tổn thương tăng sinh ở mô lợi, có thể phát triển do thay đổi nội tiết.

Mòn răng

có thể xuất phát từ nôn nhiều do ốm nghén. Thai phụ nên được khuyến khích tránh đánh răng ngay sau khi nôn. Thay vào đó, họ nên lựa chọn súc miệng bằng dung dịch pha loãng 1 cốc nước với 1 thìa café baking soda để trung hoà acid.

 Hướng dẫn chăm sóc vệ sinh răng miệng cho phụ nữ mang thai

1. Do sự tăng nguy cơ viêm lợi và sâu răng nên tầm quan trọng của việc chăm sóc vệ sinh răng miệng tốt hàng ngày cần được nhấn mạnh với phụ nữ mang thai. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (The American Dental Association) đã đưa ra những lời khuyên sau đây để có được một thói quen vệ sinh răng miệng tốt:

-Đánh răng 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm trong 2 phút, sử dụng cùng với kem đánh răng chứa Fluoride.

-Thay bàn chải mỗi 3 đến 4 tháng hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị xơ, mòn. Khi lông bàn chải trở nên xơ, mòn thì hiệu quả làm sạch răng sẽ suy giảm, và có thể gây kích thích lợi của bạn.

-Làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn. Điều này sẽ giúp loại bỏ thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng và một phần cổ răng dưới lợi.

    2. Nếu xác định cần liệu pháp bổ sung Fluoride tại chỗ để giảm thiểu ảnh hưởng của sự mòn răng thì bôi varnish Fluoride có thể được ưu tiên hơn liệu pháp áp gel Fluoride do gây buồn nôn.

   3. Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng :Chế độ ăn uống lành mạnh đa dạng, cân bằng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau như: ngũ cốc, rau, hoa quả, thịt, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, chất béo,..Hạn chế ăn vặt. Mỗi lần bạn sử dụng thức ăn hoặc đồ uống có chứa đường, các vi khuẩn trong miệng bạn sẽ giải phóng acid tác động đến răng của bạn, tăng nguy cơ phát triển sâu răng.

    4. Khi nào thì cần đi khám nha sĩ :

        Bạn nên đến khám nha sĩ ngay khi có kế hoạch mang bầu để phòng và điều trị các bệnh răng miệng trước khi có nguy cơ tiến triển nặng hơn trong quá trình mang thai như viêm lợi, sâu răng, viêm tủy răng, răng khôn có nguy cơ biến chứng,..giảm thiểu can thiệp trong quá trình mang thai.

Sử dụng thuốc và X-quang nha khoa trong thai kì

1.Thuốc:  Các câu hỏi về thuốc gây tê cục bộ và kháng sinh được sử dụng trong nha khoa là khá phổ biến. Các thuốc được coi là an toàn khi sử dụng bao gồm:

-Gây tê cục bộ ( có hoặc không có epinephrine)

-Kháng sinh:Penicillin, Amoxicillin, Cephalosporins, Clindamycin, Metronidazole.

Sử dụng các loại thuốc khác cần tham khảo bác sĩ sản khoa của bệnh nhân để cân nhắc rủi ro và lợi ích.

2.XQ nha khoa:

     Chụp X-quang được cho là tương đối an toàn đối với phụ nữ mang thai ở tất cả cácgiai đoạn trong quá trình mang thai. Mặc dù bức xạ từ X quang nha khoa rất thấp nhưng thai phụ vẫn cần được bảo vệ bởi áo chì để hạn chế tối đa tia X tiếp xúc với thai nhi.

Trong thời kì mang thai, phụ nữ có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm lợi cũng như sâu răng, và cần được sự tư vấn bởi cả bác sĩ sản khoa và nha sĩ về tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng tốt trong suốt thai kỳ. Khám sức khoẻ răng miệng định kì và điều trị  khi có chỉ định bao gồm cả sử dụng thuốc gây tê cục bộ và chụp X-quang nha khoa là an toàn ở bất cứ giai đoạn nào của thai kì.

Tham khảo thêm thông tin

Không chăm sóc răng miệng tăng nguy cơ sinh non

Việc thay đổi thói quen sinh hoạt và thể chất khi mang thai khiến thai phụ dễ sâu răngviêm nha chu hơn bình thường:

  • Thai phụ thường ăn nhiều bữa với số lượng ít nên miệng luôn tồn tại axit dễ gây sâu răng. Đặc biệt trong thời gian ốm nghén mệt mỏi, thai phụ rất khó chải sạch những răng hàm bên trong.
  • Hooc – môn nữ tăng cao trong thai kỳ dễ gây viêm lợi hơn bình thường. Đây là nguyên nhân gây ra viêm nha chu khi mang thai.
  • Khi mang thai, tính chất nước bọt bị biến đổi khiến miệng luôn cảm thấy dính, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Từ năm 1996, các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh: Phụ nữ mang thai bị viêm lợi, viêm nha chu sẽ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non gấp 2-3 lần, dễ bị tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2,5kg). Khi mẹ viêm lợi, viêm nha chu, trong miệng sẽ xuất hiện một số vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này di chuyển từ khoang miệng vào nhau thai, làm tăng nồng độ sinh lý trong dịch ối, gây chuyển dạ sớm, sinh non, sinh nhẹ cân.

2. Không chăm sóc răng miệng tăng nguy cơ sâu răng cho bé ngay từ khi mới sinh

2.1. Răng của bé hình thành từ trong bụng mẹ

Mầm răng của bé được hình thành vào khoảng tuần 6 ~ 7 của thai kỳ. Từ tuần thứ 16 thai kỳ, men răng và ngà răng phát triển để bao bọc mầm răng. Sau đó, thân răng (còn gọi là xương ổ răng) được hình thành để bao bọc phần chân răng và tủy răng là hệ thần kinh nằm phía bên trong. Từ 6-7 tháng sau sinh, răng sữa của bé sẽ phát triển hoàn chỉnh, nhú ra khỏi lợi.

2.2. Vi khuẩn gây sâu răng có thể lây từ mẹ sang con

  • Vi khuẩn gây sâu răng không có trong miệng bé ngay khi được sinh ra mà thực chất bị lây từ miệng mẹ hoặc những người xung quanh thông qua việc hôn bé, bón thức ăn cho bé (từ ống hút, đũa hay thìa mà người lớn đã sử dụng).
  • Vi khuẩn gây sâu răng nhanh chóng sinh sôi ngay khi răng nhú. Trong đó, thời gian từ 6 tháng – 3 tuổi là thời kỳ bé dễ nhiễm vi khuẩn sâu răng nhất.
  • Những em bé mà mẹ có nhiều răng sâu cũng có nguy cơ sâu răng từ sớm rất cao. Vì thế, việc giữ vệ sinh răng miệng không chỉ tốt cho mẹ mà còn quyết định sức khỏe răng miệng của bé sau này. Cách lý tưởng nhất là bắt đầu phòng ngừa răng sâu cho bé ngay từ khâu chăm sóc răng miệng của người mẹ trong thời kỳ mang thai.

3. Cách chăm sóc răng miệng khi mang thai

  • Chải răng 2 lần/ngày (sáng, tối)
  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa 1 lần/ngày
  • Súc miệng sạch sau khi ăn
  • Lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ

4. Chế độ dinh dưỡng thai kỳ để bé có hàm răng khỏe mạnh

Chế độ dinh dưỡng của mẹ đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành răng bé gồm những khoáng chất như canxi, phốt pho… Thời kỳ này, nếu dinh dưỡng của người mẹ không hợp lý có thể khiến răng bé sau này yếu hoặc dễ bị sâu răng. Đặc biệt, canxi tốt cho quá trình phát triển răng, tạo nên hàm răng chắc khỏe.

Bà bầu cần lưu ý tăng cường sử dụng những nguồn thực phẩm giàu canxi như cua đồng, tôm đồng, tép nhỏ, hải sản không có thủy ngân, sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, sữa tiệt trùng…), vừng đen, trắng; một số loại rau quả (chuối, kiwi, cam, rau súp lơ xanh, rau cải chíp, rau mùng tơi, muống, đậu, rau cần, cà rốt…).

Như vậy, khi mẹ có sức khỏe răng miệng thì không chỉ mẹ đẹp, còn giảm nguy cơ sinh non, tạo hàm răng vững chắc, khỏe mạnh cho bé nhờ hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây sâu răng cho em bé của mình.

Đăng Ký Để Nhận Tư Vấn Từ Bác Sĩ

Nếu các bạn cần tư vấn cũng như đặt lịch hẹn khám răng có thể liên hệ trực tiếp Phòng Nha Khoa Hoàng Anh qua hotline 0903264086 để được các bác sĩ chuyên sâu thăm khám và đưa ra những lời khuyên bổ ích và tốt nhất.